Hiện trạng đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái biển Việt Nam

Ngày 14/12/2017, tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả điều tra đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái biển Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị.
Hiện trạng đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái biển Việt Nam

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị

Ngày 01/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, trong đó có Nhiệm vụ số 8 “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Việt Nam; Quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững”. Mục tiêu chung của nhiệm vụ là xây dựng bộ dữ liệu tổng thể, đầy đủ, tin cậy có hệ thống về hiện trạng đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản Việt Nam là cơ sở khoa học, thông tin và dữ liệu phục vụ quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển cho phát triển bền vững ở Việt Nam và hướng tới hội nhập khu vực biển Đông Á trong khuôn khổ Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á.

Trên cơ sở nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trong giai đoạn 2010-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các dự án điều tra nguồn lợi hải sản trên các vùng biển và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái ven biển Việt Nam. Các kết quả điều tra trong giai đoạn 2010-2017 là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý nhà nước quan trọng mang tính định hướng quản lý ngành. Kết quả của nhiệm vụ này cũng góp phần giúp ngư dân khai thác hiệu quả hơn thông qua các bản tin dự báo ngư trường, cơ cấu lại đội tàu khai thác; cung cấp cơ sở dữ liệu nền cho việc đánh giá tác động tới nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái và môi trường biển do sự cố môi trường xẩy ra tại các tỉnh Bắc miền Trung trong thời gian qua.

Kết quả điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái ven biển Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục sử dụng để xây dựng định hướng tổ chức lại khai thác hải sản, điều chỉnh cơ cấu đội tàu và các đối tượng khai thác chủ lực theo tinh thần Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua; cũng như việc điều chỉnh định hướng bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu ngành thủy sản.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ, các hệ sinh thái quan trọng: Hệ sinh thái bãi triều – cửa sông; Hệ sinh thái Đầm phá; Hệ sinh thái San hô; Hệ sinh thái Thảm cỏ biển; Hệ sinh thái Rừng ngập mặn đã và đang được điều tra, đánh giá một cách chi tiết.

Theo báo cáo tại Hội nghị, điều tra đa dạng sinh học Hệ sinh thái Thảm cỏ biển Việt Nam được thực hiện từ năm 2016 đến nay, trong năm 2016 đã tiến hành điều tra tại 22 địa điểm khảo sát từ Quảng Ninh đến Kiên Giang vào mùa gió mùa Đông bắc (tháng 11-12/2016). Kết quả cho thấy ĐDSH thảm cỏ biển theo xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam và có một số loài bị biến mất, hiện nay có 14 loài cỏ biển đã được xác định, 1743 loài sinh vật sống trong thảm cỏ biển. Các bãi cỏ ven bờ giảm so với 10 năm trước đây do các hoạt động NTTS. Bên cạnh đó một số diện tích cỏ biển phân bố mới đã được phát hiện. Đến nay, diện tích các thảm cỏ biển đã được phát hiện và xác định sơ bộ ước tính khoảng 15.000ha.

Về ĐDSH hệ sinh thái rạn san hô, đã điều tra tại 4 vùng trong điểm: Cô Tô, Cồn Cỏ, Vịnh Nha Trang, Phú Quốc. Chất lượng nước phần lớn nằm trong giới hạn cho phép. San hô ở khu vực Nha Trang, Phú Quốc và Cồn Cỏ còn khá tốt, tại Cô Tô suy thoái nghiêm trọng. Nguồn lợi động vật đáy trên rạn san hô đang có dấu hiệu bị khai thác quá mức ở khu vực Cô Tô. Nguồn lợi cá rạn cũng có sự sụt giảm về số lượng loài và thiếu vắng một số họ cá RSH điển hình cho vùng RSH nhiệt đới.

ĐDSH hệ sinh thái rừng ngập mặn:  Theo báo cáo, diện tích RNM hiện nay suy giảm nhiều so với trước chiến tranh, và một phần lớn RNM hiện nay là rừng trồng. Tại các điểm khảo sát có đa dạng sinh học cao, trong đó có một số loài quý hiếm.

ĐDSH hệ sinh thái bãi triều – Cửa sông: Được điều tra tại 4 điểm: Cửa Ba Lạt – sông Hồng; Cửa Đại – sông Thu Bồn; Cửa sông Soài Rạp – hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai; Cửa sông Cổ Chiên – sông Tiền. Nhiệm vụ đã khảo sát một số yếu tố môi trường cơ bản, trong đó, một số thông số kim loại nặng, dầu mỡ ở mức khá cao so với quy chuẩn Việt Nam. Tại HST bãi triều – Cửa sông có mức đa dạng sinh học cá rất phong phú.

ĐDSH hệ sinh thái đầm phá: khảo sát tại 12 đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Theo kết quả khảo sát, chất lượng nước của các đầm phá tại thời điểm khảo sát đều nằm trong ngưỡng an toàn, ngoại trừ đầm Tam Giang – Cầu Hai đã có biểu hiện thiếu hụt ôxi hòa tan, ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng. Đầm phá đóng vai trò là nơi lưu trữ nguồn gien quý hiếm, các bãi đẻ, ương nuôi ấu trùng cho các loài thủy hải sản ven bờ. Qua khảo sát, hiện nay nguồn lợi thủy sản ở hệ sinh thái này suy giảm rõ ràng so với trước đây.

Hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần có đánh giá biến động môi trường liên quan đến biến động hệ sinh thái để có bức tranh rõ hơn. Cần đánh giá sâu hơn, đầy đủ hơn về thành phần loài, đa dạng sinh học theo phương pháp chuẩn. Nên thống nhất giữa phương pháp và kết quả nghiên cứu một cách logic. Nên rõ khái niệm và phạm vi các vùng nghiên cứu. Cần kế thừa các nghiên cứu trước đây để có bức tranh rõ ràng hơn phục vụ cho quản lý. Cần nghiên cứu thêm để lượng giá các hệ sinh thái. Các kiến nghị phải có luận cứ khoa học rõ ràng.

Kết luận Hội nghị, PTCT Trần Đình Luân đánh giá cao những nỗ lực của đơn vị điều tra, tuy nhiên đây là kết quả sơ bộ ban đầu do đó, bức tranh về ĐDSH vẫn chưa đầy đủ. Đơn vị điều tra cần tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các kết quả theo các mục tiêu đã đề ra. Các đề xuất phục vụ quản lý cần cụ thể và mang tính khoa học hơn. Bước đầu chuẩn hóa phương pháp tiếp cận, nghiên cứu để triển hai theo tinh thần Luật Thủy sản 2017 một cách tốt nhất.

Theo tongcucthuysan.gov.vn

 
FacebookGoogle+PinterestEmailChia Sẻ Với Bạn Bè

0 BÌNH LUẬN